Dịch vụ thanh toán điện tử: Còn ở giai đoạn dò đường
10/11/2014
Ảnh: Payoo mở nhiều điểm thanh toán để mở rộng mạng lưới. |
Tại Việt Nam, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp khai thác mô hình ví điện tử nhưng, theo thông tin từ ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có chín doanh nghiệp như: Payoo, MoMo, Mobivi, Ngân Lượng… được cấp phép thử nghiệm loại hình dịch vụ này.
Trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử mở rộng mô hình này, như liên kết với website bán hàng trên mạng để thanh toán trực tuyến, mở rộng các tiện ích thanh toán với những nhu cầu thiết yếu: điện, nước, điện thoại, truyền hình trả tiền, internet… nhưng việc thiếu nền tảng pháp lý chính thức và phù hợp đã làm cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chần chừ.
Ông Nguyễn Minh Quang, giám đốc đối ngoại của công ty 1Pay cho rằng, với thị trường có hơn 35 triệu người dùng internet, hơn 20 triệu smartphone đang hoạt động, hơn 10 triệu người chơi game trực tuyến…, nếu mô hình dịch vụ thanh toán điện tử phát triển “đầy đủ và bền vững”, doanh số giao dịch thanh toán điện tử có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Nhưng doanh số thực tế mà các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ này là bao nhiêu, nhiều chủ doanh nghiệp khiêm tốn nói rằng: con số này vẫn còn nhỏ lắm.
Những gương mặt tiên phong Ngày 1.6.2014, công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến M-Service chính thức thử nghiệm ứng dụng “MoMo chuyển nhận tiền” trên các thiết bị di động có sử dụng thuê bao di động. Ông Phạm Thành Đức, tổng giám đốc M-Service cho biết, MoMo có một số chức năng như: gửi nhận tiền thông qua số điện thoại di động, cho phép truy cập nhanh vào danh bạ điện thoại để chọn người nhận tiền (với điều kiện chủ thuê bao đó cũng sử dụng ứng dụng MoMo), nạp tiền, rút tiền từ tài khoản MoMo. Ngoài ra, MoMo còn hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền điện, nước, internet, điện thoại, vé máy bay, vé xem phim… Năm 2008, công ty dịch vụ thanh toán trực tuyến Cộng Đồng Việt (gọi tắt là Payoo) xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh việc cung cấp công cụ thanh toán cho các nhà bán lẻ như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, FPT Shop, Vien Thong A, Điện máy Chợ Lớn, Circle K, B’s mart, FamilyMart…, website thương mại điện tử và 12 ngân hàng, Payoo còn kết nối trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp, internet… nhằm cung cấp thêm kênh thanh toán cho người dùng. Thành lập đầu năm 2011, 1Pay (http://1pay.vn) là cổng thanh toán điện tử dành cho các nhà kinh doanh nội dung số và thương mại điện tử. |
Với thương mại điện tử tại Việt Nam, vì nghi ngại về chất lượng và dịch vụ của nhà cung cấp, nên người tiêu dùng lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, việc thanh toán điện tử, người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về tính tiện lợi và bảo mật của dịch vụ. Gần đây, nhiều khách hàng than phiền đã bị mất tiền khi áp dụng thanh toán trực tuyến bằng các thiết bị di động.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhằm thúc đẩy thị trường, nhưng theo nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, lượng người sử dụng ví điện tử vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và số lượng giao dịch vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Hoàng Anh, giám đốc khối vận hành của Payoo cho biết, sau sáu năm hoạt động, hiện Payoo có khoảng 100.000 khách hàng sử dụng tài khoản Payoo, 800.000 lượt thanh toán qua công cụ Payoo/tháng và hơn 1.200 điểm giao dịch trên toàn quốc. “Nhìn những con số, tưởng là nhiều nhưng vẫn còn quá thấp so với kế hoạch”, ông Hoàng Anh nói.
Hiện tại, 1Pay đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 30 game studio tại Việt Nam cùng hàng ngàn nhà phát triển dịch vụ nhưng khi nói về doanh thu, ông Quang lại cho biết con số chung chung là “hàng chục tỉ đồng/tháng”.
Ông Phạm Thành Đức, tổng giám đốc M-Service cho biết, MoMo đã xây dựng hơn 3.000 điểm giao dịch tại 19 tỉnh/thành (Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp…) và kết nối tài khoản của khách hàng tại 23 ngân hàng nhưng từ chối nói về doanh thu. Cũng như nhiều nhà cung cấp khác, MoMo vẫn chưa hài lòng với lượng khách hàng mà mong ước sẽ đông hơn…
Ông Quang nói: “Tiềm năng của thị trường thanh toán trực tuyến sẽ gia tăng mạnh trong tương lai với dung lượng có thể lên tới hàng tỉ đô la mỗi năm. Để thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử, các nhà quản lý cần nghiên cứu để đưa ra các chính sách phù hợp giúp thị trường hoạt động lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử phát triển. Tính tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thanh toán điện tử vẫn hoạt động trong khi chờ các chính sách tiếp theo của Nhà nước”.
Còn ông Hoàng Anh chia sẻ: “Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử vẫn sử dụng giấy phép “thí điểm” nên hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Vì lẽ đó, trong quá trình hoạt động, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kết nối với các ngân hàng hoặc các tổ chức, doanh nghiệp lớn”.
Theo Thegioitiepthi.net